Robot học đại học

Chuyện các robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hoàn thành các chương trình học ở đại học không còn quá xa lạ ở thời đại ngày nay.

Robot BINA48

Mới đây, tại Mỹ, robot AI có tên BINA48 đã vượt qua kỳ thi môn Tâm lý học của Đại học Notre Dame de Namur (NDNU) và trở thành robot đầu tiên trên thế giới hoàn thành một chương trình đại học.

Ông William Barry, PGS. ngành Tâm lý học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Học theo ngữ cảnh thực tế của NDNU nhận xét thành tích của BINA48 là “đáng kinh ngạc”.

BINA48 là robot chỉ có đầu và ngực, có thể nghe, nhìn và đối thoại với người xung quanh. Robot được phát triển bởi Công ty Hanson Robots, ra mắt vào năm 2010. BINA48 là từ viết tắt của “Breakthrough Intelligence via Neural Architecture” – Trí tuệ đột phá thông qua cấu trúc thần kinh.

Ngoại hình của BINA48 được lấy nguyên mẫu từ bà Bina Aspen – vợ của doanh nhân Martine Rothblatt – người đứng sau công nghệ của robot này.

Trước khi là sinh viên của khóa học trên, BINA48 thường xuất hiện trong nhiều lớp học của PGS. Barry. Trong một lần tham gia lớp học, robot này bày tỏ hứng thú muốn học đại học và được ông ủng hộ.

Trước đó, Trung Quốc cũng sở hữu robot AI đầu tiên trên thế giới vượt qua kỳ thi lấy bằng y khoa.

Theo tờ China Daily, robot này có tên Xiaoyi, tham gia bài thi cấp giấy phép y khoa quốc gia Trung Quốc và đỗ với điểm số 456/600, cao hơn 96 điểm so với mức sàn. Điều này cho thấy Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm với việc phát triển và ứng dụng AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Robot này được phát triển bởi công ty AI hàng đầu Trung Quốc iFlytek, có khả năng nắm bắt và phân tích thông tin về bệnh nhân.

Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm y tế và điện tử tiêu dùng, của Trung Quốc. Nước này cũng đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực nghiên cứu AI.

iFlytek dự định biến Xiaoyi thành trợ lý giúp các bác sĩ nâng cao hiệu quả làm việc.

“Chúng tôi sẽ chính thức ra mắt Xiaoyi vào tháng 3 năm sau. Xiaoyi sẽ không để thay thế bác sĩ mà thúc đẩy sự hợp tác giữa người và máy móc nhằm tăng hiệu quả của việc chăm sóc y tế”, Chủ tịch Liu Qingfeng của iFlytek cho biết.

iFlytek đặt mục tiêu ứng dụng AI để cải thiện việc điều trị ung thư và giúp đào tạo bác sĩ đa khoa- nguồn nhân lực đang thiếu nhiều tại Trung Quốc.

“Các khu vực nông thông Trung Quốc đang thiếu bác sĩ đa khoa trầm trọng. Chúng tôi kỳ vọng AI sẽ giúp nhiều người có thể tiếp cận với nguồn tài nguyên y tế chất lượng”, ông Qingfeng nói thêm.

iFlytek hiện là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc. Tháng trước, công ty này cho biết sẽ đầu tư 1,02 tỷ nhân dân tệ (150 triệu USD) để hỗ trợ các hãng khởi nghiệp có công nghệ cốt lõi nhưng thiếu kiến thức kinh doanh, hay các công ty có sản phẩm thương mại nổi bật nhưng chưa thể ứng dụng AI vào thiết bị của mình.

 (nguồn: ngân giang Theo http://baochinhphu.vn)