Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng 4.0 là xu hướng không thể thay đổi và trì hoãn. Ở Việt Nam, tuy cách mạng 4.0 đã xuất hiện nhưng vẫn còn ở mức độ thấp, chưa có quy mô, phổ cập.
Người đứng đầu Chính phủ đã dành toàn bộ buổi sáng ngày 13/7 để dự Diễn đàn cao cấp và triển lãm quốc tế về cách mạng 4.0. Trước khi chủ trì diễn đàn, Thủ tướng đã có 20 phút thăm các gian hàng của các doanh nghiệp lớn trong nước, đầu tư vào công nghệ.
Qua 20 phút thăm quan đó, Thủ tướng bày tỏ niềm vui vì Việt Nam đã quy tụ được những tập đoàn công nghệ hiện đại, trong nước và cả quốc tế. Cuộc cách mạng 4.0 đã ở bên trong Việt Nam.
Dù vậy, Thủ tướng cũng cho biết đối diện với làn sóng 4.0, đất nước vẫn còn gặp nhiều vấn đề, trong đó mức độ còn thấp, quy mô nhỏ và chưa phổ cập. Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ đưa ra 4 vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất, qua Diễn đàn lần này, ông cho biết Việt Nam phải thay đổi nhận thức về cuộc cách mạng 4.0 một cách sâu sắc, rõ ràng hơn, từ đó, có bước đi, cách làm hợp lý. Đó là sự thay đổi trong phương thức sản xuất, dịch vụ, nền kinh tế số.
Thủ tướng nói rằng Việt Nam nói chung phải thay đổi giải pháp công nghệ chứ không chỉ áp dụng những công nghệ truyền thống.
Từ nhận thức thay đổi, Thủ tướng đặt ra vấn đề thứ hai – hành động như thế nào. Đây là điều rất quan trọng, ông nhấn mạnh. Bởi từng thành viên của Đảng, Nhà nước, người dân đều đặt một sự mong mỏi lớn.
Ông cho rằng cần phải đưa ra được chính sách pháp luật hợp lý, hiệu quả để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 tốt hơn, cao hơn.
Nhân lực cũng là vấn đề được Thủ tướng lưu ý. Nguyên nhân, nhiều ngiên cứu cho thấy 40% lao động Việt Nam đang là lao động giản đơn. Chính vì vậy, hệ thống giáo dục phải thay đổi. Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều quan trọng cần đầu tư ở các địa phương.
“Vấn đề rất lớn, rất mới là trang bị kỹ năng cho người lao động. Giờ cách mạng 4.0 dẫn đến dư thừa lao động thì phải làm sao?”, ông nói.
Tiếp theo và phát triển công nghệ, đặc biệt là hạ tầng thông tin. Thủ tướng cũng nói rằng để thành công trong cách mạng 4.0, cần xử lý những mặt trái của làn sóng này, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Sau những lần lắng nghe chuyên gia, doanh nghiệp góp ý, Người đứng đầu Chính phủ nói rằng ông đánh giá cao về các khuyến nghị chính sách. Việt Nam, theo đó tích cực lắng nghe những góp ý, Thủ tướng cho biết.
“Cách mạng 4.0 được áp dụng là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư thương mại, dịch vụ, giáo dục”, ông nói.
Theo Trí thức trẻ